Thành phần
Hoạt chất:
Mỗi ml chứa 100 đơn vị (U) (tương đương với 3,5mg) insulin lispro (được sản xuất trên E.coli bằng kỹ thuật tái tổ hợp DNA).
Mỗi bút chứa 3ml tương đương với 300 đơn vị insulin lispro. Humalog Mix 50/50 chứa 50% dung dịch insulin lispro và 50% hỗn dịch insulin lispro protamine.
Danh mục tá dược: Dibasic natri phosphat, Glycerin, Phenol lỏng, Metacresol, Protamin sulfat, Oxyd kẽm, dung dịch acid hydrocloric 10% và dung dịch natri hydroxyd 10% có thể được sử dụng để điều chỉnh pH đến 7.0 - 7.8, nước pha tiêm.
Công dụng (Chỉ định)
Humalog Mix 50/50 được chỉ định để điều trị bệnh nhân bị đái tháo đường cần insulin để duy trì sự ổn định nội môi glucose bình thường.
Cách dùng - Liều dùng
Bảng 1*: Tóm tắt về các đặc tính dược động học của các chế phẩm insulin (Thu thập từ các nghiên cứu so sánh chéo)
Các chế phẩm insulin
|
Liều, U/kg
|
Thời gian đạt đỉnh tác dụng, số giờ sau khi dùng thuốc
|
Phần trăm của tổng tác dụng xuất hiện trong 4 giờ đầu tiên
|
Humalog
|
0,3
|
2,4 (0,8 - 4,3)
|
70% (49 - 89%)
|
Humulin R
|
0,32
(0,26 - 0,37)
|
4,4 (4,0 - 5,5)
|
54% (38 - 65%)
|
Humalog Mix 75/25
|
0,3
|
2,6 (1,0-6,5)
|
35% (21 - 56%)
|
Humulin 70/30
|
0,3
|
4,4 (1,5 - 16)
|
32% (14 - 60%)
|
Humalog Mix 50/50
|
0,3
|
2,3 (0,8 - 4,8)
|
45% (27 - 69%)
|
Humulin 50/50
|
0,3
|
3,3 (2,0 - 5,5)
|
44% (21 - 60%)
|
NPH
|
0,32
(0,27 - 0,40)
|
5,5 (3,5 - 9,5)
|
14% (3,0 - 48%)
|
Có thành phần NPL
|
0,3
|
5,8 (1,3 - 18,3)
|
22% (6,3 - 40%)
|
* Các thông tin cung cấp trong Bảng 1 cho thấy khi nào insulin đạt đỉnh tác dụng mong muốn và phần trăm của tổng tác dụng insulin xuất hiện trong vòng 4 giờ đầu. Thông tin được thu thập từ 3 nghiên cứu độc lập sử dụng thủ thuật kẹp giữ nồng độ glucose trên các đối tượng không bị đái tháo đường. Các giá trị trên thể hiện mức trung bình, với khoảng dao động được trình bày trong dấu ngoặc đơn.
Humalog Mix 50/50 chỉ được chỉ định dùng để tiêm dưới da. Humalog Mix 50/50 không được dùng đường tĩnh mạch. Nên tiêm dưới da ở phía trên cánh tay, đùi, mông, hoặc bụng. Nên luân chuyển các vị trí tiêm sao cho không tiêm cùng một vị trí quá một lần một tháng. Khi tiêm dưới da, cần thận trọng khi tiêm Humalog Mix 50/50 để đảm bảo không chọc vào mạch máu. Sau khi tiêm, không xoa bóp vị trí tiêm. Bệnh nhân cần được hướng dẫn để sử dụng kỹ thuật tiêm thuần thục.
Chế độ liều dùng của Humalog Mix 50/50 sẽ khác nhau giữa các bệnh nhân và cần được quyết định bởi các bác sỹ có kinh nghiệm về nhu cầu chuyển hóa của bệnh nhân, thói quen ăn uống, và các thói quen sinh hoạt khác. Humalog đã thể hiện hiệu lực tương đương với insulin người tác dụng ngắn theo đơn vị mol. Một đơn vị Humalog có lác dụng hạ đường huyết giống như một đơn vị insulin người tác dụng ngắn, nhưng tác dụng của Humalog khởi phát nhanh hơn và trong thời gian ngắn hơn. Tác dụng hạ đường huyết nhanh hơn của Humalog có liên quan đến tỷ lệ hấp thu nhanh hơn của insulin lispro từ mô dưới da.
Chưa có dữ liệu so sánh trực tiếp giữa Humalog Mix 50/50 và Humulin 50/50. Tuy nhiên, một nghiên cứu so sánh chéo đã cho thấy Humalog Mix 50/50 có thời gian tác dụng tương tự như Humulin 50/50.
Tỷ lệ hấp thu insulin và do đó, sự khởi đầu tác dụng được biết là bị ảnh hưởng bởi vị trí tiêm, hoạt động thể lực và các yếu tố khác. Cũng giống như tất cả các dạng insulin khác, thời gian tác dụng của Humalog Mix 50/50 có thể khác nhau giữa các bệnh nhân và ngay trên cùng một bệnh nhân.
Nên kiểm tra Humalog Mix 50/50 bằng mắt trước khi dùng. Chỉ nên sử dụng Humalog Mix 50/50 khi nó là một hỗn dịch đục đồng nhất sau khi lắc. Không nên sử dụng Humalog Mix 50/50 sau ngày hết hạn.
Không sử dụng trong trường hợp sau (Chống chỉ định)
Quá mẫn với insulin lispro hay với bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
Hạ đường huyết.
Lưu ý khi sử dụng (Cảnh báo và thận trọng)
Cảnh báo đặc biệt và thận trọng khi sử dụng:
Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được dùng Humalog Mix 50/50 đường tĩnh mạch.
Khi chuyển bệnh nhân sang sử dụng một loại insulin khác hay nhãn hiệu insulin khác, cần thực hiện dưới sự giám sát y tế chặt chẽ. Những thay đổi về nồng độ, nhãn hiệu (nhà sản xuất), loại (tác dụng ngắn, NPH, chậm v.v...), loài (insulin động vật, insulin người, chất tương tự insulin người), và/hoặc phương pháp sản xuất (tái tổ hợp DNA so với insulin nguồn gốc động vật) có thể dẫn đến việc cần phải thay đổi liều dùng.
Những tình trạng làm cho các triệu chứng cảnh báo sớm của hạ đường huyết khác hoặc ít rõ rệt hơn bao gồm thời gian bị bệnh đái tháo đường kéo dài, liệu pháp insulin tích cực, bệnh thần kinh do đái tháo đường hoặc đang dùng thuốc như thuốc chẹn beta.
Một vài bệnh nhân có phản ứng hạ đường huyết sau khi chuyển từ insulin nguồn gốc động vật sang insulin người đã báo cáo các triệu chứng cảnh báo sớm của hạ đường huyết ít rõ rệt hơn hoặc khác so với triệu chứng mà họ đã gặp khi dùng loại insulin trước đó. Những phản ứng hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết không được điều chỉnh có thể gây bất tỉnh, hôn mê hoặc tử vong.
Việc sử dụng không đủ liều hoặc ngừng điều trị, đặc biệt trong đái tháo đường phụ thuộc insulin có thể dẫn đến tăng đường huyết và nhiễm toan ceton do đái tháo đường, tình trạng này có khả năng gây tử vong.
Nhu cầu insulin có thể giảm trong trường hợp suy thận, ở bệnh nhân suy gan, nhu cầu insulin có thể giảm do giảm khả năng tân tạo glucose và giảm phân hủy insulin, tuy nhiên, ở những bệnh nhân bị suy gan mạn tính, sự tăng đề kháng insulin có thể dẫn đến tăng nhu cầu insulin.
Nhu cầu insulin có thể tăng trong thời gian bị bệnh hoặc rối loạn cảm xúc.
Có thể cần phải điều chỉnh liều nếu bệnh nhân tăng hoạt động thể lực hoặc thay đổi chế độ ăn thông thường. Luyện tập thể lực ngay sau bữa ăn có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
Loạn dưỡng mỡ và quá mẫn là một trong số các tác dụng không mong muốn khác có liên quan đến việc sử dụng của tất cả các loại insulin.
Dị ứng
Dị ứng cục bộ - Như với bất kỳ liệu pháp insulin nào, bệnh nhân có thể bị đỏ, sưng, hoặc ngứa tại chỗ tiêm. Những phản ứng nhẹ thường qua đi sau một vài ngày đến vài tuần. Trong một số trường hợp, các phản ứng này có thể liên quan đến các yếu tố khác không phải insulin, như chất kích thích trong các tác nhân làm sạch da hoặc tiêm không đúng kỹ thuật.
Dị ứng toàn thân - Ít phổ biến, nhưng nghiêm trọng hơn, là phản ứng dị ứng lan tỏa của insulin, có thể gây phát ban (bao gồm ngứa) trên toàn bộ cơ thể, khó thở, thở khò khè, giảm huyết áp, mạch nhanh, hoặc đổ mồ hôi. Trường hợp nghiêm trọng của dị ứng toàn thân, bao gồm phản ứng phản vệ, có thể đe dọa tính mạng. Phản ứng có tính cục bộ và đau cơ lan tỏa đã được báo cáo với việc sử dụng các cresol như một tá dược tiêm.
Sinh kháng thể - Trong các thử nghiệm lâm sàng, đã quan sát thấy các kháng thể phản ứng chéo với insulin người và insulin lispro ở cả hai nhóm điều trị hỗn hợp insulin người và hỗn hợp insulin lispro.
Cần phải cân nhắc khi dùng Insulin lispro cho trẻ em dưới 12 tuổi, chỉ dùng trong trường hợp có lợi hơn so với dùng insulin tác dụng ngắn.
Thiazolidinediones (TZDs) được dùng phối hợp với insulin: TZDs khi dùng chung với insulin có liên quan đến tăng nguy cơ bị phù và suy tim; đặc biệt ở bệnh nhân đang bị bệnh tim.
Đã có báo cáo về các trường hợp suy tim khi sử dụng insulin phối hợp với pioglitazon, đặc biệt ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ phát triển các bệnh lý tim mạch. Điều này cần được lưu ý, nếu cân nhấc điều trị phối hợp Humalog Mix 50/50 với pioglitazon. Nếu sử dụng phối hợp, bệnh nhân cần được theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng của suy tim, tăng cân và phù nề. Cần ngừng dùng pioglitazon nếu xảy ra bất kỳ các triệu chứng suy giảm hoạt động tim.
Hướng dẫn sử dung và thao tác
Để ngăn chặn khả năng lây nhiễm bệnh, mỗi bút tiêm chỉ dùng cho một bệnh nhân, cho dù có thay đổl kim.
Tác dụng không mong muốn (Tác dụng phụ)
Các nghiên cứu lâm sàng so sánh Humalog Mix 50/50 với hỗn hợp insulin người không cho thấy sự khác biệt về tần suất xuất hiện các tác dụng không mong muốn giữa hai phương pháp điều trị.
Các tác dụng không mong muốn thường gặp liên quan đến liệu pháp điều trị insulin người bao gồm:
Toàn thân - phản ứng dị ứng.
Da và các phần phụ - phản ứng tại vị trí tiêm, loạn dưỡng mỡ, ngứa, phát ban.
Khác - hạ đường huyết.
Hạ đường huyết là tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của liệu pháp insulin mà bệnh nhân bị đái tháo đường có thể gặp phải. Hạ đường huyết nặng có thể dẫn đến bất tỉnh, và trong trường hợp nặng nhất có thể tử vong. Không có tần suất cụ thể về hạ đường huyết, vì hạ đường huyết là kết quả của cả yếu tố liều dùng insulin và các yếu tố khác, như chế độ ăn và luyện tập thể lực của bệnh nhân.
Dị ứng cục bộ ở bệnh nhân là phổ biến (1/100 đến < 1/10). Có thể xuất hiện dị ứng ban đỏ, sưng và ngứa ở chỗ tiêm insulin. Tình trạng này thường qua đi sau vài ngày đến vài tuần. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể liên quan đến các yếu tố khác ngoài insulin, như các chất kích thích trong các chất làm sạch da hoặc kỹ thuật tiêm chưa đúng.
Dị ứng toàn thân, hiếm gặp (1/10.000 đến <1/1.000) nhưng khả năng nghiêm trọng hơn, là phản ứng dị ứng có tính lan tỏa của insulin. Có thể gây phát ban toàn thân, khó thở, thở khò khè, giảm huyết áp, mạch nhanh, hoặc ra mồ hôi. Những trường hợp dị ứng toàn thân nặng có thể đe dọa tính mạng.
Hạ kali huyết.
Loạn dưỡng mỡ ở vị trí tiêm thuốc không phổ biến (1/1.000 đến < 1/100).
Các trường hợp bị phù đã được báo cáo khi sử dụng liệu pháp insulin, đặc biệt khi dùng liệu pháp insulin tăng cường nhằm cải thiện sự kiểm soát chuyển hóa kém trước đó.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Các phản ứng tại chỗ sẽ dần hết trong quá trình điều trị.
Teo mô mỡ dưới da có thể điều trị khỏi bằng cách tiêm insulin động vật tinh khiết hơn hay insulin người vào trong hay xung quanh chỗ bị teo.
Phì đại mô mỡ có thể tránh được bằng cách luân chuyển vị trí tiêm thuốc.
Hạ đường huyết: Người bệnh phải nhận biết các dấu hiệu báo trước của cơn hạ đường huyết (ví dụ: ra mồ hôi, chóng mặt, run) và có thể vượt qua được bằng cách ăn thức ăn hoặc uống nước có đường.
Tương tác với các thuốc khác
Nhu cầu insulin có thể tăng do những loại thuốc có tác dụng tăng đường huyết như các thuốc tránh thai dạng uống, các corticosteroid, hoặc liệu pháp thay thế hormon tuyến giáp, danazol, các chất kích thích beta2 (như ritodrin, salbutamol, terbutalin).
Nhu cầu insulin có thể giảm do những loại thuốc có tác dụng hạ đường huyết như các thuốc hạ đường huyết dạng uống, các salicylat (ví dụ acid acetylsalicyllc), các kháng sinh sulpha, một số thuốc chống trầm cảm (các thuốc ức chế monoamin oxidase, các thuốc ức chế tái thu hồi serotonin chọn lọc), một số thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin (captopril, enalapril), các thuốc chẹn thụ thể angiotensin II, chẹn beta, octreotid hoặc rượu.
Chưa có nghiên cứu về việc trộn Humalog Mix 50/50 với các insulin khác.
Nên tham khảo ý kiến bác sỹ khi sử dụng các thuốc khác cùng với Humalog Mix 50/50 KwikPen (xem “Cảnh báo đăc biệt và thận trong khi dùng”).
Tính tương kỵ
Không có nghiên cứu về việc trộn Humalog Mix 50/50 với các Insulin khác. Khi không có nghiên cứu về khả năng tương thích, không nên trộn các thuốc này với các thuốc khác.
Quá liều
Không có định nghĩa cụ thể về quá liều insulin bởi nồng độ glucose huyết thanh là kết quả của các tương tác phức tạp giữa nồng độ insulin, glucose sẵn có và các quá trình trao đổi chất khác.
Hạ đường huyết có thể là kết quả của sự hoạt động quá mức của insulin so với lượng thức ăn ăn vào và năng lượng tiếu hao.
Hạ đường huyết có thể dẫn đến bơ phờ, lú lẫn, đánh trống ngực, nhức đầu, vã mồ hôi và nôn mửa.
Các cơn hạ đường huyết nhẹ có thể được xử lý bằng cách uống glucose hoặc các sản phẩm có đường hoặc saccharat.
Việc điều trị hạ đường huyết nặng vừa phải có thể bằng cách tiêm bắp hoặc tiêm dưới da glucagon, sau đó ăn hoặc uống carbohydrat khi bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn. Những bệnh nhân không đáp ứng với glucagon thì phải truyền tĩnh mạch dung dịch glucose.
Nếu bệnh nhân bị hôn mê, nên tiêm bắp hoặc tiêm dưới da glucagon. Tuy nhiên, cần dùng dung dịch glucose đường tĩnh mạch nếu không có sẵn glucagon hoặc nếu bệnh nhân không đáp ứng với glucagon. Bệnh nhân cần được ăn ngay sau khi tỉnh.
Duy trì lượng carbohydrat đưa vào và cần phải theo dõi bởi hạ đường huyết có thể xuất hiện lại ngay sau khi hồi phục lâm sàng.
Lái xe và vận hành máy móc
Khả năng tập trung và phản ứng của bệnh nhân có thể bị suy giảm do hậu quả của hạ đường huyết. Điều này có thể gây ra nguy hiểm trong những tình huống mà những khả năng này có tầm quan trọng đặc biệt (như đang lái xe hay đang vận hành máy móc).
Nên khuyên bệnh nhân thận trọng để tránh tình trạng hạ đường huyết trong khi lái xe. Điều này rất quan trọng ở những bệnh nhân khó nhận biết hay không nhận biết được những dấu hiệu cảnh báo của hạ đường huyết hoặc ở những người thường có cơn hạ đường huyết, cần cân nhắc việc có nên lái xe hay không trong những trường hợp này.
Thai kỳ và cho con bú
Tính an toàn trong thời kỳ mang thai
Insulin, một hormon tự nhiên, là thuốc được lựa chọn để điều trị đái tháo đường tụy ở phụ nữ mang thai nhằm tránh dị tật bẩm sinh cho trẻ. Nếu đái tháo đường xuất hiện trong thời kỳ mang thai thì người mẹ cần phải được điều trị càng sớm càng tốt bằng insulin và phải được bác sỹ chuyên khoa theo dõi chặt chẽ.
Các dữ liệu nghiên cứu trên số lượng lớn phụ nữ mang thai dùng insulin lispro không cho thấy bất kỳ tác dụng bất lợi nào của thuốc trong thai kỳ hoặc đối với sức khỏe của thai nhi/trẻ sơ sinh.
Cần duy trì sự kiểm soát tốt bệnh nhân được điều trị bằng insulin (đái tháo đường phụ thuộc insulin hoặc đái tháo đường do thai nghén) trong suốt thai kỳ. Nhu cầu insulin thường giảm trong ba tháng đầu thai kỳ và tăng lên trong ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ. Cần khuyên bệnh nhân đái tháo đường thông báo cho bác sỹ nếu họ đang mang thai hoặc dự định có thai. Theo dõi kỹ đường huyết cũng như sức khỏe chung là điều cần thiết ở bệnh nhân mang thai bị đái tháo đường.
Tính an toàn trong thời kỳ cho con bú
Không biết insulin lispro có bài tiết vào sữa mẹ hay không. Bà mẹ mắc đái tháo đường đang cho con bú có thể cần phải điều chỉnh liều insulin, chế độ ăn kiêng hoặc cả hai.
Bảo quản
Không để đông lạnh. Không để nơi quá nóng hoặc ánh nắng chiếu trực tiếp.
Bút tiêm bơm sẵn thuốc chưa sử dụng
Bảo quản trong tủ lạnh (2 - 8°C).
Sau khi sử dụng lần đầu
Bảo quản dưới 30°C. Không để trong tủ lạnh. Không bảo quản bút tiêm bơm sẵn khi có gắn kim tiêm.
Hạn dùng
Quy cách đóng gói
Hộp 5 bút tiêm bơm sẵn thuốc, mỗi bút 3ml x 100 U/ml.
Hạn dùng
36 tháng kể từ ngày sản xuất.
Dược lực học
Nhóm dược lý trị liệu:
Humalog Mix 50/50 là hỗn dịch đã trộn sẵn chứa insulin lispro (chất tương tự insulin người tác dụng nhanh) và hỗn dịch insulin lispro protamine (chất tương tự insulin người tác dụng trung bình). Mã ATC: A10A D04.
Hoạt tính chủ yếu của insulin lispro là điều hòa sự chuyển hóa glucose.
Ngoài ra, insulin có một số tác dụng đồng hóa và chống dị hóa trên nhiều loại mô khác nhau. Trong mô cơ, tác dụng này bao gồm làm tăng tổng hợp glycogen, acid béo, glycerol, protein và hấp thu acid amin, trong khi làm giảm phân hủy glycogen, tân tạo glucose, tạo ceton, phân hủy mỡ, dị hóa protein và sản xuất acid amin.
Insulin lispro khởi phát tác dụng nhanh (khoảng 15 phút), vì vậy bệnh nhân có thể dùng thuốc gần sát với bữa ăn (trong vòng từ 0 - 15 phút trước hoặc sau bữa ăn) so với insulin tác dụng ngắn (trước 30 - 45 phút). Đã quan sát thấy tác dụng khởi phát nhanh và đạt đỉnh sớm của insulin lispro sau khi tiêm dưới da Humalog Mix 50/50. Humalog BASAL (hỗn dịch insulin lispro protamine) có dữ liệu về tác dụng tương tự với insulin nền (NPH) trong thời gian khoảng 15 giờ. Sơ đồ sau minh họa dược lực học của Humalog Mix 50/50 và Humalog BASAL:
Biểu đồ trên phản ánh số lượng glucose tương đối theo thời gian cần để duy trì nồng độ đường huyết toàn phần của bệnh nhân gần với nồng độ lúc đói và là một chỉ thị về tác dụng của những insulin này trên sự chuyển hóa gluccose theo thời gian.
Suy chức năng gan hoặc thận không ảnh hưởng đến đáp ứng về động học của glucose vơi insulin lispro. Sự khác nhau về động học của glucose giữa insulin lispro và insulin người dạng hòa tan, như đã đo được trong thủ thuật kẹp giữ nồng độ glucose, được duy trì qua nhiều mức độ của chức năng thận.
Insulin lispro thể hiện hiệu lực tương đương với insulin người theo đơn vị mol nhưng insulin lispro có hiệu quả nhanh hơn và thời gian tác dụng ngắn hơn.
Dược động học
Hấp thu - Các nghiên cứu trên người tình nguyện khỏe mạnh và bệnh nhân đái tháo đường typ 1 (phụ thuộc insulin) cho thấy Humalog, thành phần tác dụng nhanh của Humalog Mix 50/50, được hấp thu nhanh hơn insulin người tác dụng ngắn (100U). Ở những người tình nguyện khỏe mạnh dùng Humalog tiêm dưới da với liều dao động từ 0,1 đến 0,4 U/kg, nồng độ đỉnh đã đạt được trong vòng 30 đến 90 phút sau khi dùng thuốc. Khi người tình nguyện khỏe mạnh dùng liều tương đương với insulin người tác dụng ngắn, nồng độ đỉnh đạt được trong vòng từ 50 đến 120 phút sau khi dùng thuốc. Kết quả đạt được tương tự ở những bệnh nhân đái tháo đường typ 1
Hình 1: Nồng độ chất phản ứng miễn dịch insulin trong huyết thanh, sau khi tiêm dưới da Humalog Mix 50/50 hoặc Humulin 50/50 trên những người khỏe mạnh không bị đái tháo đường.
Humalog Mix 50/50 hấp thu qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu đại diện cho insulin lispro và đặc điểm riêng khởi phát nhanh của nó. Giai đoạn sau đại diện cho tác dụng kéo dài của hỗn dịch insulin lispro protamine. Trong 30 người tình nguyện khỏe mạnh dùng liều dưới da Humalog Mix 50/50 (0,3 U/kg), nồng độ đỉnh trong huyết thanh đã xuất hiện ở thời điểm 45 phút đến 13,5 giờ (trung bình 60 phút) sau khi dùng thuốc (xem Hình 1). Ở những bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường typ 1, nồng độ đỉnh trong huyết thanh đã xuất hiện trong vòng 45 phút đến 120 phút (trung bình 60 phút) sau khi dùng thuốc. Các đặc tính hấp thụ nhanh chóng của Humalog được duy trì với Humalog Mix 50/50 (xem Hình 1).
Chưa có dữ liệu so sánh trực tiếp Humalog Mix 50/50 với Humulin 50/50. Tuy nhiên, một nghiên cứu so sánh chéo thể hiện trong Hình 1 đã cho thấy Humalog Mix 50/50 hấp thu nhanh hơn so với Humulin 50/50.
Phân bố - Các nghiên cứu phân bố đánh dấu phóng xạ của Humalog Mix 50/50 chưa được thực hiện. Tuy nhiên, thể tích phân bố sau tiêm Humalog là giống như của insulin người tác dụng ngắn, trong khoảng 0,26 - 0,36 L/kg.
Chuyển hóa - Các nghiên cứu về sự chuyển hóa trên người của Humalog Mix 50/50 chưa được thực hiện. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy sự chuyển hóa của Humalog, thành phần tác dụng nhanh của Humalog Mix 50/50, giống như của Insulin người tác dụng ngắn.
Thải trừ - Humalog Mix 50/50 có hai giai đoạn hấp thu, một giai đoạn nhanh chóng và một giai đoạn kéo dài, đại diện cho thành phần insulin lispro và thành phần hỗn dịch Insulin lispro protamine. Như các loại Insulin tác dụng trung bình khác, không thể tính toán được giai đoạn kết thúc nửa đời bán thải có ý nghĩa sau khi dùng Humalog Mix 50/50 do sự kéo dài hấp thu của hỗn dịch insulin lispro protamine.
Nghiên cứu tiền lâm sàng
Các thử nghiệm in vitro, bao gồm gắn vào vị trí thụ thể insulin và tác động trên các tế bào đang tăng trưởng cho thấy Insulin lispro tác động theo cách rất giống insulin người. Các nghiên cứu cũng cho thấy sự phân giải liên kết thụ thể insulin của Insulin lispro cũng tương đương với insulin người. Các nghiên cứu độc tính cấp tính, một tháng và mười hai tháng cho thấy không có độc tính đáng kể.
Insulin lispro không gây suy giảm khả năng sinh sản, không gây độc tính trên phôi thai hay sinh quái thai trong các nghiên cứu trên động vật.
Đặc điểm
Hỗn dịch tiêm. Humalog Mix 50/50 là hỗn dịch màu trắng, vô trùng.
Thông tin khác
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG
Bút tiêm KwikPen đóng sẵn thuốc 100 đơn vị/ml
VUI LÒNG ĐỌC TỜ HƯỚNG DẪN NÀY TRƯỞC KHI SỬ DỤNG
Đọc tờ hướng dẫn sử dụng trước khi sử dụng insulin và mỗi lần bạn dùng một bút KwikPen khác, có thể có những thông tin mới. Thông tin này không thay thế được việc trao đổi với bác sỹ của bạn về tình trạng sức khỏe hoặc trị liệu của bạn.
KwikPen (“Bút”) là bút tiêm đóng sẵn thuốc chứa 3ml (300 đơn vị, 100 đơn vị/ml) insulin, không sử dụng lại khi đã hết thuốc. Một bút có thể tiêm được nhiều liều. Bút quay 1 đơn vị cho một lần. Bạn có thể dùng từ 1 - 60 đơn vị cho mỗi mũi tiêm. Nếu liều của bạn là hơn 60 đơn vị, bạn sẽ cần phải tiêm cho mình nhiều hơn một mũi tiêm. Pit tông chỉ di chuyển một chút mỗi mũi tiêm, và bạn có thể không cảm nhận được sự di chuyển đó. Pit tông sẽ chỉ chạm đến tận cùng của ống thuốc khi bạn đã sử dụng hết 300 đơn vị trong bút.
Không dùng chung bút tiêm của bạn với người khác, kể cả khi đã đổi kim tiêm. Không tái sử dụng hoặc dùng chung kim tiêm với người khác. Bạn có thể lây nhiễm bệnh cho người khác hoặc bị lây nhiễm bệnh từ người khác.
Không khuyến cáo người mù hoặc có thị lực suy yếu sử dụng bút tiêm này mà không có sự hỗ trợ của người đã được học sử dụng bút.
Cách nhận biết bút tiêm Kwikpen của bạn:
|
Humalog
Dung dịch
|
Humalog Mix 75/25
Hỗn dịch (insulin đục)
|
Humalog Mix 50/50
Hỗn dịch (insulin đục)
|
Màu của bút:
|
Xanh da trời
|
Xanh da trời
|
Xanh da trời
|
Núm chỉnh liều:
|
Đỏ tía
|
Vàng
|
Đỏ
|
Nhãn:
|
Trắng và có dải màu đỏ tía
|
Trắng và có dải màu vàng
|
Trắng và có dải màu đỏ
|
Những dụng cụ cần cho việc tiêm của bạn:
- KwikPen chứa loại insulin của bạn.
- Kim tiêm phù hợp với loại KwikPen (khuyên dùng kim tiêm BD [Becton, Dickinson and Company]).
- Gạc tẩm cồn.
Kim tiêm và gạc tẩm cồn không cung cấp cùng bút.
Chuẩn bị bút tiêm của bạn:
- Rửa tay bằng xà phòng và nước.
- Kiểm tra bút tiêm để chắc chắn bạn đang sử dụng đúng loại insulin. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn sử dụng nhiều hơn một loại insulin.
- Không sử dụng bút tiêm đã quá hạn sử dụng in trên nhãn. Sau khi bạn bắt đầu sử dụng bút, vứt bỏ bút tiêm đó đi sau khoảng thời gian sau khi mở quy định trong tờ hướng dẫn sử dụng.
- Luôn luôn sử dụng một kim tiêm mới cho mỗi lần tiêm nhằm phòng ngừa nhiễm khuẩn và mũi tiêm bị tắc.
Bước 1:
- Rút thẳng nắp bút ra. Không gỡ bỏ nhãn bút.
- Sử dụng miếng gạc thấm cồn để lau miếng nối kín bằng cao su.
Bước 2: (Riêng với HUMALOG Mix 75/25 và Mix 50/50)
- Nhẹ nhàng lăn tròn bút giữa hai bàn tay 10 lần.
- Và dốc ngược bút 10 lần.
Việc trộn thuốc là rất quan trọng để đảm bảo nhận được đúng liều. Dung dịch insulin nhìn thấy phải là hỗn hợp đông nhất.
Bước 3:
- Kiểm tra cảm quan bề ngoài của insulin.
+ Dung dịch Humalog (Humalog Kwikpen) cần phải trong và không màu. Không dùng nếu thấy thuốc bị đục, có màu hoặc có các vật thể lạ hoặc vón cụm bên trong.
+ Hỗn dịch Humalog (Humalog Mix 50/50 Kwikpen, Humalog Mix 75/25 Kwikpen) - đục - cần có màu trắng sau khi trộn. Không sử dụng nếu thuốc nhìn trong hoặc chứa bất kỳ vẩn đục hoặc vật thể nào.
Bước 4:
- Lấy một kim tiêm mới.
- Bỏ nắp giấy bảo vệ kim bên ngoài.
Bước 5:
Ấn kim vẫn còn ở trong nắp thẳng vào bút và vặn kim cho đến khi thấy đã chặt.
Bước 6:
- Tháo nắp bảo vệ kim bên ngoài. Đừng bỏ đi.
- Tháo nắp bảo vệ kim bên trong và bỏ đi.
Chuẩn bút tiêm:
Chuẩn bút tiêm trước mỗi lần tiêm:
- Chuẩn bút tiêm nghĩa là đẩy hết không khí thâm nhập từ kim và ống thuốc trong quá trình sử dụng bình thường và đảm bảo bút tiêm vận hành đúng.
- Nếu bạn không chuẩn bút mỗi khi tiêm, có thể bạn sẽ lấy quá nhiều hoặc quá ít insulin.
Bước 7:
Để chuẩn bút tiêm, vặn núm chỉnh liều để chọn 2 đơn vị.
Bước 8:
Cầm bút (có gắn kim) thẳng đứng. Gõ vào phần thân giữ ống thuốc để không khí trong ống chuyển lên phía trên.
Bước 9:
- Vẫn giữ bút (có kim) thẳng đứng. Nhấn vào núm chỉnh liều cho đến khi nó dừng lại và màn hình hiển thị liều xụất hiện số 0. Giữ núm chỉnh liều và đếm chậm đến 5.
Bạn sẽ nhìn thấy có insulin xuất hiện ở đỉnh kim tiêm.
+ Nếu bạn không nhìn thấy insulin, lặp lại bước chuẩn bút, nhưng không làm quá 4 lần.
+ Nếu bạn vẫn không nhìn thấy insulin, đổi kim và chuẩn lại bút.
Thấy có bọt khí nhỏ là bình thường và sẽ không ảnh hưởng đến liều thuốc của bạn.
Chọn liều:
- Bạn có thể tiêm từ 1 đến 60 đơn vị mỗi lần tiêm.
- Nếu liều của bạn lớn hơn 60 đơn vị, bạn cần tiêm nhiều hơn một lần.
+ Nếu bạn cần hỗ trợ để quyết định cách chia liều thuốc, hãy hỏi ý kiến bác sỹ của bạn.
+ Bạn cần sử dụng một kim tiêm mới cho mỗi lần tiêm và lặp lại bước chuẩn liều.
Bước 10:
- Xoay núm chỉnh liều đến số đơn vị bạn cần tiêm. Vạch chỉ liều cần chỉ đúng liều của bạn.
+ Bút tiêm có thể quay 1 đơn vị mỗi lần.
+ Núm chỉnh liều sẽ kêu click khi bạn xoay nó.
+ KHÔNG quay số liều của bạn bằng cách đếm các tiếng kêu click vì bạn có thể quay sai liều.
+ Liều có thể chỉnh bằng cách xoay núm chỉnh liều theọ hướng tới hoặc lui cho đến khi vạch chỉ liều chỉ đúng liều bạn.
+ Các số chẵn được in trên vòng tròn quay.
+ Các số lẻ, sau số 1, được hiển thị bằng những đường kẻ dài.
- Luôn luôn kiểm tra chỉ số ở màn hình hiển thị liều để chắc chắn là bạn đã quay đến đúng liều.
(Ví dụ: 12 đơn vị thể hiện ở màn hình hiển thị)
(Ví dụ: 12 đơn vị thể hiện ở màn hình hiển thị)
- Bút tiêm sẽ không cho phép bạn chọn liều nhiều hơn số đơn vị còn lại trong bút.
- Nếu bạn cần tiêm nhiều hơn số lượng đơn vị còn lại trong bút, bạn có thể chọn một trong hai cách:
+ Tiêm số lượng còn lại trong bút và sau đó dùng một bút mới để tiêm nốt phần liều còn lại, hoặc
+ Dùng một bút mới và tiêm đủ liều.
- Việc nhìn thấy còn một lượng nhỏ insulin trong bút tiêm mà bạn không thể tiêm được là bình thường.
Tiêm thuốc:
- Tiêm insulin theo cách nhân viên y tế đã hướng dẫn bạn.
- Thay đổi (luân chuyển) vị trí tiêm mỗi lần tiêm.
- Không cố gắng thay đổi liều của bạn trong khi tiêm.
Bước 11:
- Chọn vị trí tiêm.
- Insulin được tiêm dưới da vùng bụng, mông, đùi hoặc cánh tay trên.
- Sát khuẩn da bằng miếng gạc thấm cồn, và để vị trí tiêm khô trước khi tiêm.
Bước 12:
- Chọc kim vào da.
- Nhấn dứt khoát núm chỉnh liều vào sâu.
- Tiếp tục giữ núm chỉnh liều tại chỗ và đếm chậm đến 5 trước khi rút kim ra khỏi da.
Đừng cố tiêm insulin bằng cách xoay núm chỉnh liều. Bạn sẽ KHÔNG nhận được insulin bằng cách đó.
Bước 13:
- Rút kim ra khỏi da.
+ Một giọt insulin nhỏ ra ở đầu mũi kim là bình thường. Điều này sẽ không ảnh hường gì đến liều của bạn.
- Kiểm tra con số ở màn hình hiển thị liều:
+ Nếu bạn nhìn thấy số “0” ở màn hình hiển thị liều, bạn đã tiêm đủ liều mà bạn đã quay.
+ Nếu bạn không nhìn thấy số “0” ở màn hình hiển thị liều, đừng quay tiếp. Ấn kim vào da và hoàn thành mũi tiêm.
+ Nếu bạn vẫn không nghĩ là đã tiêm đủ liều đã quay, không bắt đầu lại từ đầu hoặc lặp lại mũi tiêm. Kiểm soát đường huyết của bạn theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
- Nếu bạn vẫn thường cần phải tiêm 2 mũi mới đủ liều, cần đảm bảo là bạn có tiêm mũi thứ 2.
Pit tông chỉ chuỵển dịch một chút sau mỗi lần tiêm, và bạn có thể không nhận thấy sự di chuyển này.
Nếu bạn nhìn thấy máu sau khi rút kim ra khỏi da, ấn nhẹ một miếng gạc hoặc một miếng bông tẩm cồn vào chỗ tiêm. Không chà xát khu vực đó.
Sau khi tiêm:
Bước 14:
- Cẩn thận đậy nắp bảo vệ ngoài cùa kim.
Bước 15:
- Tháo kim có nắp ra và vứt bỏ nó như hướng dẫn (xem phần Tiêu hủy bút và kim).
- Không bảo quản bút khi còn gắn kim trên đó để phòng tránh rò rỉ, tắc kim, và không khí xâm nhập vào bút.
Bước 16:
- Đậy nắp bút sao cho hướng của thanh gài trên nắp bút thẳng hàng với màn hình hiển thị liều.
TIÊU HỦY BÚT VÀ KIM:
- Bỏ kim đã sử dụng vào thùng đựng đồ sắc nhọn hoặc hộp nhựa cứng có nắp an toàn. Không vứt bỏ kim trực tiếp vào rác thải sinh hoạt.
- Bút tiêm đã sử dụng có thể tiêu hủy trong rác thải sinh hoạt sau khi bạn đã tháo kim ra.
- Không tái sử dụng các hộp đựng đồ sắc nhọn đã đầy.
- Hỏi ý kiến nhân viên y tế về các cách thải bỏ các hộp đựng đồ sắc nhọn một cách an toàn. Những hướng dẫn liên quan đến xử lý kim tiêm này không thay thế cho các nguyên tắc, quy định của địa phương, của các nhân viên y tế và của hệ thống y tế.
Bảo quản bút tiêm:
Bút chưa sử dụng:
- Bảo quản bút chưa sử dụng trong tủ lạnh ở 2 - 8°C.
- Không làm đông lạnh bút. Không sử dụng nếu bút bị đông lạnh.
- Bút chưa sử dụng có thể sử dụng đến ngày hết hạn in trên nhãn, nếu bút tiêm đó được bảo quản trong tủ lạnh.
Bút đã sử dụng:
- Bảo quản bút tiêm mà bạn đang sử dụng ở nhiệt độ phòng dưới 30°C và tránh nóng và ánh sáng.
- Hãy bỏ bút tiêm mà bạn đạng sử dụng nếu đã qua thời hạn ghi trong tờ hướng dẫn sử dụng bút, kể cả khi vẫn còn thuốc trong đó.
Thông tin chung về việc sử dụng bút an toàn và hiệu quả
- Để bút và kim tiêm tránh xa tầm nhìn và tầm tay với của trẻ em.
- Không sử dụng bút tiêm bị vỡ hoặc hư hỏng.
- Luôn mang dự phòng thêm một bút tiêm trong trường hợp bút của bạn bị mất hoặc hư hỏng.
XỬ LÝ SỰ CỐ:
- Nếu bạn không thể tháo nắp bút, nhẹ nhàng xoay nắp bút tới và lui, và sau đó kéo thẳng ra.
- Nếu núm chỉnh liều khó ấn xuống:
+ Hãy ấn núm chỉnh liều chậm hơn nhằm giúp dễ tiêm hơn. Có thể kim tiêm của bạn bị kẹt. Hãy dùng kim tiêm mới và chuẩn bút.
+ Bạn có thể thấy bụi bẩn, thức ăn hoặc chất lỏng bên trong bút. Hãy bỏ bút đó đi và dùng một bút mới.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay có vấn đề gì với bút tiêm của bạn, hãy gọi cho các nhân viên y tế để được trợ giúp.