Thành phần
Thành phần dược chất: Amlodipin 5mg.
(dưới dạng amlodipin besilat 6,935mg).
Thành phần tá dược gồm: Avicel M112, Mannitol, DST(Sodium starch glycolat), Magnesi stearat vừa đủ 1 viên nén.
Công dụng (Chỉ định)
Tăng huyết áp.
Đau thắt ngực ổn định mạn tính.
Đau thắt ngực do co thắt mạch (đau thắt ngực Prinzmetal).
Cách dùng - Liều dùng
Liều dùng:
Người lớn:
Đối với tăng huyết áp và đau thắt ngực, liều khởi đầu thông thường là 5mg amlodipin mỗi ngày một lần, có thể tăng lên đến liều tối đa là 10mg mỗi ngày một lần tùy theo đáp ứng của mỗi bệnh nhân.
Ở bệnh nhân cao huyết áp, amlodipin đã được dùng đồng thời với thuốc lợi tiểu dạng thiazid, thuốc chẹn alpha, thuốc chẹn beta và thuốc ức chế men chuyển angiotensin. Đối với chứng đau thắt ngực, amlodipin có thể được dùng dưới dạng đơn trị liệu hoặc dùng đồng thời với các thuốc chống đau thắt ngực khác ở bệnh nhân bị đau thắt ngực kháng các dẫn xuất nitrat và/ hoặc các thuốc chẹn beta thích hợp. Không cần thiết phải điều chỉnh liều khi sử dụng amlodipin đồng thời với các thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc chẹn alpha, thuốc chẹn beta hay các thuốc ức chế men chuyển angiotensin.
* Các đối tượng đặc biệt:
Người cao tuổi: Khả năng dung nạp của bệnh nhân cao tuổi và trẻ tuổi là như nhau khi sử dụng mức liều amlodipin tương tự. Liều thông thường được khuyến cáo sử dụng cho người cao tuổi và cần thận trọng khi tăng liều.
Bệnh nhân suy gan: Liều dùng khuyến cáo chưa được thiết lập cho bệnh nhân bị suy gan mức độ từ nhẹ đến trung bình. Vì vậy, cần thận trọng khi chọn liều và bắt đầu điều trị với liều thấp nhất có hiệu quả.
Đặc tính dược lực học của amlodipin chưa được nghiên cứu đối với các trường hợp suy gan nặng. Cần bắt đầu cho dùng amlodipin ở liều thấp nhất rồi tăng chậm ở bệnh nhân bị suy gan nặng.
Bệnh nhân suy thận: Sự thay đổi nồng độ amlodipin trong huyết tương không tương quan với mức độ suy thận. Vì vậy, khuyến cáo sử dụng liều thông thường. Amlodipin không thẩm tách được.
Trẻ em và thiếu niên:
Trẻ em và thiếu niên từ 6 đến 17 tuổi bị cao huyết áp: Liều khởi đầu khuyến cáo dùng qua đường uống để điều trị tăng huyết áp ở trẻ em từ 6 đến 17 tuổi là 2,5mg mỗi ngày một lần, rồi có thể tăng lên đến 5mg mỗi ngày nếu không đạt được huyết áp mong muốn sau bốn tuần. Liều lớn hơn 5mg mỗi ngày chưa được nghiên cứu ở bệnh nhi.
Trẻ em dưới 6 tuổi: Chưa có dữ liệu.
- Cách dùng: Thuốc kê đơn, dùng theo chỉ định của thầy thuốc, dùng đường uống.
Không có yêu cầu đặc biệt về xử lý thuốc sau khi sử dụng.
Không sử dụng trong trường hợp sau (Chống chỉ định)
Chống chỉ định sử dụng amlodipin ở những bệnh nhân:
Nhạy cảm với các dẫn xuất của dihydropyridin, amlodipin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Hạ huyết áp nghiêm trọng. Sốc (bao gồm sốc tim).
Tắc nghẽn đường ra của tâm thất trái (ví dụ: hẹp động mạch chủ nặng)
Suy tim huyết động không ổn định sau khi bị nhồi máu cơ tim cấp tính.
Lưu ý khi sử dụng (Cảnh báo và thận trọng)
Sử dụng ở bệnh nhân suy tim: Trong một nghiên cứu dài hạn có kiểm chứng bằng giả dược, sử dụng amlodipin trên những bệnh nhân suy tim độ III và IV theo phân loại của hiệp hội tim mạch New York, amlodipin được báo cáo có liên quan đến sự gia tăng tỉ lệ phù phổi. Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ bệnh nhân bị suy tim trầm trọng ở nhóm amlodipin so với nhóm giả dược.
Sử dụng ở bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan: Cũng giống như tất cả các thuốc chẹn kênh calci khác, thời gian bán thải của amlodipin bị kéo dài ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan và liều khuyến cáo cho bệnh nhân này vẫn chưa được thiết lập. Do đó, amlodipin cần phải được sử dụng thận trọng ở các bệnh nhân này.
Tác dụng không mong muốn (Tác dụng phụ)
Thường gặp, 1/100 ≤ ADR <1/10:
Hệ thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, ngủ gà.
Tim: Đánh trống ngực. Mạch: Mặt đỏ bừng.
Hệ tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn.
Toàn thân và tại chỗ: Phù, mệt mỏi.
Ít gặp, 1/1000 ≤ ADR < 1/100:
Máu và hệ bạch huyết: giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
Chuyển hóa và dinh dưỡng: Tăng đường huyết.
Tâm thần: Mất ngủ, thay đổi tâm tính.
Hệ thần kinh: Tăng trương lực cơ, giảm xúc giác/ dị cảm, bệnh thần kinh ngoại biên, bất tỉnh, rối loạn vị giác, run rẩy, rối loạn ngoại tháp.
Thị giác: Suy giảm thị giác.
Thính giác và tai trong: Ù tai.
Mạch: Hạ huyết áp, viêm mạch máu.
Hô hấp, ngực và trung thất: Ho, khó thở, viêm mũi.
Hệ tiêu hóa: Thay đổi thói quen đi ngoài, khô miệng, khó tiêu (bao gồm cả viêm dạ dày), tăng sản lợi, viêm tụy, nôn.
Da và mô dưới da: Rụng lông tóc, tăng tiết mồ hôi, ban xuất huyết, sạm da, mề đay.
Hệ xương khớp và mô liên kết: Đau khớp, đau lưng, co cơ và đau cơ.
Thận và hệ tiết niệu: Tiểu lắt nhắt, rối loạn tiểu tiện, đi tiểu về đêm.
Hệ sinh sản và vú: Vú to ở nam, rối loạn cương dương.
Toàn thân và tại chỗ: Suy nhược, khó chịu, đau.
Chỉ số xét nghiệm/ đo lường: Tăng cân/ giảm cân.
Hiếm gặp, 1/10 000 ≤ ADR < 1/1000:
Các phản ứng dị ứng như ngứa, ban da, phù mạch và hồng ban đa dạng.
Rất hiếm gặp, ADR<1/10000:
Viêm gan, vàng da và tăng men gan cũng đã được báo cáo với tỷ lệ rất ít (chủ yếu đi kèm với tắc mật).
Có một số trường hợp nặng cần phải nhập viện đã được báo cáo liên quan đến việc sử dụng amlodipin.
Trong nhiều trường hợp, mối quan hệ nhân quả giữa các tác dụng không mong muốn nêu trên với việc sử dụng amlodipin là không rõ ràng.
Cũng giống như với các thuốc chẹn kênh calci khác, các tác dụng không mong muốn sau đây rất hiếm khi được báo cáo và không thể phân biệt được với tiến trình tự nhiên của các bệnh đang mắc: Nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim (bao gồm nhịp chậm, nhịp nhanh ở tâm thất và rung nhĩ) và đau ngực.
* Bệnh nhi (6 - 17 tuổi):
Thường gặp: 1/100 ≤ ADR < 1/10:
Hệ thần kinh: Đau đầu, chóng mặt.
Mạch: Giãn mạch.
Hô hấp, ngực và trung thất: Chảy máu cam.
Hệ tiêu hóa: Đau bụng.
Toàn thân và tại chỗ: Suy nhược.
Tương tác với các thuốc khác
Amlodipin đã được chứng minh là sử dụng an toàn với các thuốc lợi tiểu thiazid, ức chế thụ thể alpha, ức chế thụ thể beta, các thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), các nitrat tác dụng kéo dài, nitroglycerin ngậm dưới lưỡi, NSAIDs, các kháng sinh và các thuốc hạ đường huyết đường uống.
Các dữ liệu in vitro từ các nghiên cứu trên huyết tương người đã cho thấy rằng amlodipin không gây ảnh hưởng đến sự gắn kết protein huyết tương của các thuốc nghiên cứu (digoxin, phenytoin, warfarin hay indomethacin).
Simvastatin: Dùng nhiều liều 10mg amlodipin đồng thời với 80mg simvastatin làm tăng 77% tỷ lệ phơi nhiễm với simvastatin so với chỉ dùng simvastatin. Với bệnh nhân dùng amlodipin, giới hạn liều của simvastatin là 20 mg/ngày.
Nước bưởi chùm: Dùng đồng thời 240ml nước bưởi chùm với một liều uống duy nhất 10mg amlodipin ở 20 người tình nguyện khỏe mạnh không gây ảnh hưởng đáng kể lên dược động học của amlodipin. Nghiên cứu này không cho phép kiểm tra ảnh hưởng của dạng đa hình di truyền của CYP3A4, enzyme chính chịu trách nhiệm chuyển hóa amlodipin, vì thế không nên dùng amlodipin cùng với bưởi hoặc nước bưởi vì sinh khả dụng có thể tăng ở một số bệnh nhân dẫn đến làm tăng tác dụng hạ huyết áp.
Chất ức chế mạnh CYP3A4 (như ketoconazol, itraconazol, ritonavir) có thể làm tăng nồng độ amlodipin trong máu lớn hơn nhiều so với diltiazem. Nên thận trọng khi sử dụng amlodipin cùng với các chất ức chế CYP3A4.
Clarithromycin là một chất ức chế CYP3A4. Nguy cơ hạ huyết áp tăng lên ở bệnh nhân dùng clarithromycin cùng với amlodipin. Nên theo dõi bệnh nhân chặt chẽ khi sử dụng đồng thời amlodipin với clarithromycin.
Các chất cảm ứng CYP3A4: Hiện không có dữ liệu về ảnh hưởng của các chất cảm ứng CYP3A4 lên amlodipin. Sử dụng đồng thời với các chất cảm ứng CYP3A4 (như rifampicin, Hypericum perforatum) có thể làm giảm nồng độ amlodipin trong máu. Nên thận trọng khi sử dụng amlodipin cùng với các chất cảm ứng CYP3A4.
* Ảnh hưởng của các thuốc khác lên amlodipin:
Cimetidin: Dùng đồng thời amlodipin và cimetidin không làm thay đổi dược động học của amlodipin.
Muối nhôm/ muối magnesi (các thuốc kháng acid): Sử dụng đồng thời với các thuốc kháng acid là muối nhôm và muối magnesi với một liều duy nhất của amlodipin không gây ảnh hưởng đáng kể lên dược động học của amlodipin).
Sildenafil: Sử dụng liều duy nhất 100mg sildenafil ở các đối tượng bị tăng huyết áp vô căn không làm ảnh hưởng đến các thông số dược động học của amlodipin. Khi sử dụng phối hợp amlodipin và sildenafil, mỗi thuốc đều có riêng tác dụng hạ áp.
* Ảnh hưởng của amlodipin tới các thuốc khác:
Atorvastatin: Dùng đồng thời liều amlodipin 10mg và 80mg atorvastatin không làm thay đổi đáng kể các thông số dược động học của atorvastatin ở trạng thái nồng độ ổn định trong huyết tương.
Digoxin: Sử dụng đồng thời amlodipin với digoxin không làm thay đổi nồng độ digoxin trong huyết tương hoặc độ thanh thải qua thận của digoxin ở những người tình nguyện khỏe mạnh
Ethanol (rượu): Sử dụng đơn liều hay đa liều 10mg amlodipin không gây ảnh hưởng đáng kể lên dược động học của ethanol.
Warfarin: Dùng đồng thời amlodipin với warfarin không làm thay đổi thời gian ức chế prothrombin của warfarin.
Cyclosporin: Chưa có nghiên cứu về tương tác thuốc giữa amlodipin và cyclosporin ở những người tình nguyện khỏe mạnh hoặc nhóm đối tượng khác, ngoại trừ bệnh nhân ghép thận. Các nghiên cứu khác nhau ở bệnh nhân ghép thận cho thấy việc dùng đồng thời amlodipin với cyclosporin ảnh hưởng đến nồng độ đáy của amlodipin từ không thay đổi đến tăng trung bình 40%. cần xem xét để theo dõi mức cyclosporin ở bệnh nhân ghép thận dùng amlodipin
Tacrolimus: Có nguy cơ tăng nồng độ tacrolimus trong máu khi sử dụng đồng thời với amlodipin. Để tránh độc tính của tacrolimus, khi sử dụng amlodipin cho bệnh nhân đang điều trị bằng tacrolimus, cần theo dõi nồng độ tacrolimus trong máu và điều chỉnh liều tacrolimus khi thích hợp.
Mục tiêu cơ học của các thuốc ức chế rapamycin như sirolimus, temsirolimus, everolimus là cơ chất của CYP3A. Amlodipin là một chất ức chế yếu CYP3A. Khi sử dụng đồng thời với các chất ức chế rapamycin, amlodipin có thể tăng phơi nhiễm của các thuốc ức chế rapamycin.
Các tương tác giữa thuốc với các xét nghiệm sinh hóa: Chưa được biết.
Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.
Quá liều
Triệu chứng: Các dữ liệu hiện có gợi ý rằng việc quá liều với mức độ lớn có thể gây giãn mạch ngoại vi và có thể kèm theo nhịp tim nhanh. Có báo cáo về sự tụt mạnh huyết áp, có thể kéo dài và bao gồm sốc có tử vong.
Xử trí: Sự hấp thu amlodipin giảm đáng kể khi chỉ định than hoạt ngay lúc đó hoặc trong vòng 2 giờ sau khi uống amlodipin 10mg ở những người tình nguyện. Trong vài trường hợp có thể cần rửa dạ dày. Với các trường hợp tụt huyết áp nặng do việc sử dụng quá liều amlodipin, cần phải có các biện pháp hỗ trợ tim mạch tích cực bao gồm việc theo dõi thường xuyên các chức năng về tim mạch và hô hấp, kê cao tay chân và chú ý đến thể tích tuần hoàn và lượng nước tiểu. Có thể sử dụng một thuốc co mạch để phục hồi trương lực mạch máu và hạ huyết áp, miễn là bệnh nhân không có chống chỉ định sử dụng thuốc đó. Có thể tiêm tĩnh mạch calci gluconat để đảo ngược lại tác dụng chẹn kênh calci. Do amlodipin gắn kết nhiều với protein huyết tương nên thẩm phân lọc máu không mang lại kết quả trong trường hợp này.
Thai kỳ và cho con bú
Phụ nữ có thai: Độ an toàn của amlodipin ở phụ nữ có thai và cho con bú chưa được thiết lập. Amlodipin không gây độc trong các nghiên cứu trên hệ sinh sản của động vật, ngoại trừ việc làm chậm quá trình chuyển dạ và kéo dài thời gian đẻ ở chuột với một liều cao gấp 50 lần liều khuyến cáo sử dụng tối đa ở người. Do đó, chỉ nên sử dụng amlodipin trong thời kỳ mang thai khi không có biện pháp thay thế nào an toàn hơn và khi bản thân bệnh chứa đựng sự rủi ro lớn hơn cho bà mẹ và phôi thai. Không thấy có tác động lên khả năng sinh sản của chuột cống khi được điều trị bằng amlodipin.
Phụ nữ cho con bú: Kinh nghiệm sử dụng trên người cho thấy rằng amlodipin có đi qua sữa mẹ. Tỷ lệ nồng độ trung vị của amlodipin trong sữa/huyết tương ở 31 phụ nữ đang cho con bú bị tăng huyết áp do thai kỳ là 0,85 sau khi sử dụng amlodipin ở liều khởi đầu là 5 mg/lần/ngày và được điều chỉnh nếu cần (liều trung bình hằng ngày và liều dùng hàng ngày theo thể trọng lần lượt là 6mg và 98,7 mcg/kg). Liều dùng hàng ngày ước tính của amlodipin mà trẻ sơ sinh nhận được qua sữa mẹ là 4,17 mcg/kg.
Bảo quản
Dưới 30°C. Nơi khô ráo, tránh ánh sáng.
Quy cách đóng gói
Hộp 10 vỉ x 10 viên nén.
Hạn dùng
36 tháng kể từ ngày sản xuất.
Dược lực học
Amlodipin là dẫn chất của dihydropyridin có tác dụng chẹn calci qua màng tế bào. Amlodipin ngăn chặn kênh calci loại L phụ thuộc điện thế, tác động trên các mạch máu ở tim và cơ.
Tác dụng chống tăng huyết áp bằng cách trực tiếp làm giãn cơ trơn quanh động mạch ngoại biên và ít có tác dụng hơn trên kênh calci cơ tim. Vì vậy thuốc không làm dẫn truyền nhĩ thất ở tim kém đi và cũng không ảnh hưởng xấu đến lực co cơ. Amlodipin cũng có tác dụng tốt là giảm sức cản mạch máu thận, do đó làm tăng lưu lượng máu ở thận và cải thiện chức năng thận. Vì vậy thuốc cũng có thể dùng để điều trị người bệnh suy tim còn bù.
Amlodipin không có ảnh hưởng xấu đến nồng độ lipid trong huyết tương hoặc chuyển hóa glucose, do đó có thể dùng amlodipin để điều trị tăng huyết áp ở người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, chưa có những thử nghiệm lâm sàng dài ngày để chứng tỏ rằng amlodipin có tác dụng giảm tử vong, ở nhiều nước, điều trị chuẩn để bảo vệ người bệnh tăng huyết áp khỏi tai biến mạch máu não và tử vong vẫn là thuốc chẹn beta và thuốc lợi tiểu, các thuốc này được chọn đầu tiên để điều trị. Tuy vậy, amlodipin có thể dùng phối hợp với thuốc chẹn beta cùng với thiazid hoặc thuốc lợi tiểu quai và cùng với thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin. Amlodipin có tác dụng tốt cả khi đứng, nằm cũng như ngồi và trong khi làm việc. Vì amlodipin tác dụng chậm, nên ít có nguy cơ hạ huyết áp cấp hoặc nhịp nhanh phản xạ.
Tác dụng chống đau thắt ngực: Amlodipin làm giãn các tiểu động mạch ngoại biên, do đó làm giảm toàn bộ lực cản ở mạch ngoại biên (hậu gánh giảm). Vì tần số tim không bị tác động, hậu gánh giảm làm công của tim giảm, cùng với giảm nhu cầu cung cấp oxy và năng lượng cho cơ tim. Điều này làm giảm nguy cơ đau thắt ngực. Ngoài ra, amlodipin cũng gây giãn động mạch vành cả trong khu vực thiếu máu cục bộ và khu vực được cung cấp máu bình thường. Sự giãn mạch này làm tăng cung cấp oxy cho người bệnh đau thắt ngực thể co thắt (đau thắt ngực kiểu Prinzmetal). Điều này làm giảm nhu cầu nitroglycerin và bằng cách này, nguy cơ kháng nitroglycerin có thể giảm. Thời gian tác dụng chống đau thắt ngực kéo dài 24 giờ. Người bệnh đau thắt ngực có thể dùng amlodipin phối hợp với thuốc chẹn beta và bao giờ cũng dùng cùng với nitrat (điều trị cơ bản đau thắt ngực).
Dược động học
Hấp thu: Khả dụng sinh học của Amlodipin khi uống khoảng 60 - 80% và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Nồng độ tối đa trong huyết tương đạt được sau khi uống trong vòng 6 - 12 giờ.
Phân bố: Amlodipin có thể tích phân bố lớn và hơn 95% kết hợp với protein huyết tương. Nồng độ ổn định trong huyết tương đạt 7 đến 8 ngày sau khi uống thuốc mỗi ngày 1 lần. Thể tích phân bố xấp xỉ 21 lít/kg thể trọng và thuốc liên kết với protein - huyết tương cao (trên 98%).
Chuyển hóa và thải trừ: Độ thanh thải trong huyết tương tới mức bình thường vào khoảng 7 ml/phút/kg thể trọng do bài tiết chủ yếu thông qua chuyển hóa trong gan. Các chất chuyển hoá mất hoạt tính và bài tiết qua nước tiểu. Thời gian bán thải tương đối dài 30 - 40 giờ. Ở người suy gan thời gian bán thải của Amlodipin tăng, vì vậy có thể cần phải giảm liều hoặc kéo dài thời gian giữa các liều dùng.